Sau 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đã tạo cho Đà Nẵng một bộ mặt, diện mạo mới, một thành phố năng động bên bờ sông Hàn thơ mộng. Trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã có nhiều chủ trương, từng bước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi giải trí, đặc biệt là việc nghiên cứu hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo nhằm khôi phục phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên phạm vi quốc tế, cả nước nói chung và thành phố nói riêng, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ cả vật chất lẫn tinh thần của nhân dân thành phố và của bạn bè du khách gần xa khi đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng; góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để mỗi người dân có thêm niềm tự hào về thành phố quê hương của mình
Nhằm thu hút, khuyến khích khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng; tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc hoạch định chính sách phát triển mạng lưới chợ điểm phục vụ du lịch; ngày 28/6/2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1708/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh mục tiêu cung cấp hàng hoá dịch vụ dân sinh, hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch là nơi cung cấp sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển ngành thương mại và du lịch, là điểm đến hàng đầu cho du khách với dịch vụ du lịch cao cấp, có bản sắc riêng, thân thiện môi trường. Định hướng đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng hình thành hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch với 11 chợ chủ yếu tập trung ven sông Hàn và bờ Đông cụ thể:
+ Cải tạo, nâng cấp 07 chợ điểm phục vụ du lịch: chợ Hàn, chợ An Hải Bắc, chợ Tuý Loan, chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang, chợ Bắc Mỹ An, chợ Cẩm Lệ, chợ Hưởng Phước (kết hợp Trung tâm thương mại).
+ Xây dựng mới 05 chợ: chợ Cồn, chợ đầu mối Hoà Phước, chợ đầu mối Thuỷ sản Thọ Quang, chợ Đông Hải, chợ Hoà Khánh.
+ Xây dựng thương hiệu, chiến lược sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực cho 11 chợ thuộc hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch là chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Bắc mỹ An, chợ Cẩm Lệ, chợ Hoà Khánh, chợ Tuý Loan, chợ đầu mối Hoà Phước, chợ Hưởng Phước (kết hợp Trung tâm thương mại); chợ An Hải Bắc, chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang và chợ Đông Hải.
Ngoài ra, đến năm 2050, tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và mở rộng hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch thêm cho 02 chợ là chợ Nại Hiên và chợ hải sản.
Trong năm 2022 sẽ triển khai cải tạo nâng cấp chợ Hàn làm điểm đến thu hút khách du lịch của thành phố
Theo đó, các chợ điểm còn tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch đặc thù: tham quan, giao lưu mua sắm, trải nghiệm ẩm thực Đà thành và xứ Quảng, hàng thủ công mỹ nghệ gắn với Đà Nẵng và miền Trung … Ngoài ra, mỗi chợ sẽ phát triển sản phẩm phục vụ du lịch riêng biệt trên các sản phẩm hiện có đặc thù của địa phương.
Trên cơ sở ngân sách nhà nước, huy động từ tiểu thương đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác, Đề án triển khai với lộ trình cụ thể với tổng diện tích các hạng mục đầu tư nâng cấp 383.671 m2. Đồng thời Đề án Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đẩu mạnh triển khai các giải pháp ưu tiên bố trí nguồn vốn và phát triển môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch, tăng cường các công tác quảng bá xúc tiến xây dựng và phát triển thương hiệu, bảo vệ môi trường, tăng cường công tác nhà nước, liên kết vùng và phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin./.
(Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng)